Vẫn biết quê nhà là chốn bình yên…
Ruột rà muối dưa tháng năm tuổi nhỏ
Hàng dương đu đưa cỏ mềm cánh lụa
Sương - nắng đắng chua tất tả đôi mùa…
Tình yêu quê hương rất đậm đà trong thi ca Lục Bình. Từ ngữ vẫn biết ở khổ đầu tiên của bài Về Quê cho thấy quê nhà là chốn bình yên, nhưng dường như đã trở nên huyễn mộng, xa xôi, một cái gì đó rất trân quí mà mình đã đánh mất. Bạn hãy tưởng tượng một miền quê duyên hải, có hàng dương đu đưa bên bờ cát trắng phao phao. Một cậu bé chơi đùa rất hồn nhiên tuổi thơ nơi ấy, dẫu đời sống chỉ là cơm cá muối dưa, sương nắng hai mùa. Hình ảnh tất tả làm lụng cực nhọc của người nông phu, người ngư phủ, trong đó có cha, có mẹ của cậu bé ấy, lại là một ký ức rất đẹp, rất thơ trong chốn bình yên của tâm tưởng. Cánh cửa quê nhà mở toang ra, tưởng như đón người con xa xứ trở về, đón người yêu về, đón mình về. Ai ngờ từ ngữ vẫn biết như chế diễu sự đợi chờ vô vọng của quê nhà, bởi có ai, có gì, về lại nữa đâu.
Ta rủ nhau về quê hương thân yêu…
Em đưa anh tìm chiều xa cát trắng !
Cổ mộ chốn này cò bay thẳng cánh…
Giờ ôm máu xương sâu lắng quanh mình
Tình yêu quê hương đong đầy nỗi nhớ, nhớ đến nỗi phải rủ nhau về quê hương thân yêu. Phải chăng là buồi chiều tà bên bờ cát trắng, rang đỏ chân mây, thấp thoáng đoàn người lũ lượt về nhà sau một ngày làm việc, tiếng nói, tiếng cười, rộn tiếng yêu thương… Nơi ấy có đôi tình nhân ngồi bên cồn cát nhìn ngắm mây trời biển rộng để thấy mình nhỏ bé trong không gian bao la, như một giọt nước giữa biển khơi. Đi sâu vào trong đất liền là những thửa ruộng nương nho. Xa xa có vài ngôi cổ mộ bằng đá ong, thấp thoáng vài cánh cò trắng hếu vụt bay. Nơi ấy, quê nhà, là chỗ chôn nhau cắn rún, là nơi chôn cất bao thế hệ gìn giữ quê nhà bằng tất cả xương máu và cả nước mắt. Tác giả hẳn cảm nhận sâu lắng được thông điệp từ những hình ảnh đó đó.
Về lại quê hương là về bình minh !
Sáng lại trái tim tội tình nông nổi
Phiến lá trên môi vô hình nóng hổi
Ngực đầy không gian gió thổi quê nhà !
Quê hương ở khổ thơ này đã nâng lên tầm cao của suy tưởng. Quê hương là bình minh, là chân lý, là chân – thiện – mỹ, là viên ngọc trong chéo áo mà lâu nay tự mình đánh mất. Quê hương là mục đích của đời sống. Sống mà không có tình yêu quê hương thì như đã chết rồi. Về lại quê, ngắt một phiến lá, đưa lên môi ngậm nhấm hương vị chiếc lá mà chứa đầy hương vị quê hương, thấy lòng mình chùng xuống, dường như có giọt nước mắt lăn vào khóe miệng, âm ấm nóng hổi, thấy mình còn một món nơ với quê cha đất tổ, với chòm xóm, với gia đình mình. Mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hoài vọng ấy, cũng là hoài vọng thể nhập quê hương: quê hương là mình, mình là quê hương. Nghĩ như vậy, thấy lòng thanh thảng, hít thật sâu, ngực đầy không gian gió thổi quê nhà
Về lại quê hương là về mùa xuân.
Gia đình, tình yêu, bạn bè…thủa đó !
Tìm về chốn xưa bờ đê, lối cỏ…
Một thời con tim rực đỏ tâm hồn !
Quê hương không có tuổi. Quê hương là mùa xuân miên viễn của tình yêu. Nơi nào còn tình yêu, nơi ấy có sự sống, có mùa xuân, có an lạc, có hạnh phúc, có tất cả: gia đình, tình yêu, bạn bè…thủa đó. Con tim của người con bỏ xứ ra đi chắn không còn đỏ rực tâm hồn nữa, chỉ là một thời tuổi nhỏ, vì cuộc đòi phong ba bão táp vùi dập mình, có khi mình không còn là mình nữa. Cái tệ nhất là mình không biết mình đã thay đổi, mà lại thay đổi theo chiều hướng tha hóa, băng hoại. Có ai nhắc nhở thì trả lời bằng ca khúc Diễm xưa. Dù sao đi nữa, tác giả luôn vững niềm tin về quê hương bờ đê, lối cỏ, một thời con tim rực đỏ tâm hồn.
(Thiện Quang)
No comments:
Post a Comment