Tuesday, October 9, 2012

CHỮ VÀ MÀU TRONG THƠ LỤC BÌNH.


 
CHỮ VÀ  MÀU TRONG THƠ LỤC BÌNH
 
Sẽ không ngạc nhiên khi mỗi ngày vào yahoo plus lại thấy một blog màu tím nhạt lãng mạn, với những câu thơ bềnh bồng trôi dạt. Sẽ không hỏi người đi đâu, về đâu khi bất chợt gặp một ai đó thẫn thờ bên giòng sông lặng lẽ với những đám lục bình dập dềnh vô định. Không, bởi đó là:
cái nơ tím tóc ngậm ngùi
lòng thơm hoa tím sáng mùi trinh nguyên
áo hương sim tím dịu hiền
em qua phố thị rộn phiền nhân gian
(bài Tim Tím - thơ LB)
bởi đó là logger LỤC BÌNH mà với anh, mọi thứ hiện hữu đều có màu ... tím hạnh phúc, với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Một thiên đàng luôn ngự trị trong anh như cục kẹo mũm mĩm, như đôi guốc mộc mạc, như cái nơ xinh xắn ... của một ai đó, tất cả đều màu tím, để rồi:
tôi đi tìm mãi tím đê mê nè!
(bài Tim Tím - thơ LB)
và anh đã đi tìm ...
Để không ngẫu nhiên chọn Màu và Chữ trong thơ anh làm tựa đề cho bài viết nầy, ví dụ như chữ "nè" rất đổi thân quen, rất đổi dịu dàng. Lại nói thêm về thi từ khác trong thơ LỤC BÌNH:
hài nhi bỗng nở cuối chiều
sao không xanh sớm để khiều bình minh
(bài Lạc - thơ LB)
trong đó chữ "khiều" rất động, nó như con sâu ngọ nguậy trong tôi suốt cả chiều bên bản thảo 10 bài thơ của anh. Ở một bài thơ khác có câu:
cũng vì trốn mẹ đi bơi
giỡn chơi em lén thơm phơi phới hầy
( bài Rơi Mất - thơ LB) 
lại là một cặp từ "giỡn chơi" nữa cứ tiếp tục nhảy nhót tung tăng vào kí ức tuổi thơ bạn đọc với hình ảnh một đôi "con nít" nghịch ngợm với nhau ở góc sân vào một chiều hoang hoải. LỤC BÌNH đã làm mê mệt hết thảy!
Không nhiều, nhưng thi thoảng sẽ có những:
để mỗi khi vui tươi buồn nản
miệng tía lia cười nói rộn ràng
(bài Bạn Bè - thơ LB)
hay:
khi nằm xuống bạn bè đưa tiễn
hát toòn teng nghe sướng như tiên
(bài Bạn Bè - thơ LB)
hoặc:
dẫu là chút xíu mong manh
gieo neo có được phúc lành dài lâu
(bài Phúc Lành - thơ LB)
Thì những cụm từ:  miệng cười tía lia / hát toòn teng / dầu là chút xíu / thắc mắc sa lầy hoàng hôn ... của anh là những khẩu ngữ bình thường hằng ngày ta thường gặp, không phải gồng mình lên chạy ra biển khơi ôm sóng vỗ vào bờ, không phải leo đỉnh cao núi thẳm để đón cây rừng nghiêng ngã đem về làm thi tứ, thi từ cho thơ, đính vào đấy những viên kim cương giả tạo trong núi than kíp lê buộc lòng óng ánh đến sáo rỗng thô ráp thường thấy đâu!
Hãy đọc lại thơ của các bậc thi nhân:
bàn tay ta làm nên tất cả
có sức người sỏi đá cũng thành cơm
(thơ Hoàng Trung Thông)
trong đó cụm từ "bàn tay ta" quá đổi bình thường nhưng được nhà thơ đặt vào đúng vị trí nó đã trở thành cái phi thường bằng sức người "sỏi đá cũng thành cơm", để thấy sức công phá của từ ngữ thơ rất mạnh, có thể giết chết một anh hùng dưới đôi mắt mĩ nhân như Từ Hải trong truyện Kiều Nguyễn Du chẳng hạn. Đặc biệt, thi từ đã nâng cánh bài thơ lên đỉnh cao nghệ thuật như:
Đả đảo Nguyễn Khánh - Hồ Chí Minh muôn năm!
Đả đảo Nguyễn Khánh - Hồ Chí Minh muôn năm!
Đả đảo Nguyễn Khánh - Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần.
(thơ Tố Hửu)
một lần nữa cho thấy nếu đặt đúng vị trí "phút giây thiêng" đã biến câu "khẩu hiệu" của anh Trỗi thành bài thơ bất tử, sự hi sinh của người chiến sĩ cách mạng giống anh nông dân "vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng" vậy!
Trở lại thơ LỤC BÌNH, bên cạnh những từ ngữ tưởng chừng đơn giản, dễ đọc dễ viết ấy là cả một quá trình chăm chút, đầu tư kỉ lưỡng vào thơ như một cần mẫn tất yếu của một nhà giáo sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn hào phóng rất hiếm có trong văn đàn blog:
ta đi bằng lá trên không
bằng mây ở cõi tiên bồng nước thiêng
ta về trong giấc cô miên
vấn tâm ư tĩnh vô miền mênh mông
đã đạt độ chín về sự sang trọng, quý phái của thi từ chí ít là trong bài thơ này (bài Ngủ Quên - thơ LB).


Ở một bài thơ khác có thế thái nhân tình, có đau đáu phận người, có tao nhân mặc khách, có:
thân bất tưởng ý không cần
nay khỉ nhảy nhót mai phần ngựa phi
con tim yêu đến lạ kì
đập hoài từ lúc mẹ thì gặp cha
(bài Ngủ Quên - thơ LB)
qua đó, ta thấy chữ "thì" không những làm "nhiệm vụ" gieo vần cho câu trên mà còn là một dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, tồn tại như một tất yếu khách quan của chuổi trường sinh kiếp người, là khẳng định gắn kết giữa tâm hồn và thể xác để LỤC BÌNH  mãi mãi đi tìm nơi trú ẩn tâm hồn vốn đôi lúc hoang phí trên thể xác ...
bóng câu vồn vả mời chào
chờ mình mai nữa thắm màu hoàng hôn
dòng trôi ngọt hóa sóng dồn
mùa xuân trẻ lại mình còn già thêm
(bài Lạc - thơ LB)
Đã đến lúc cần phải "ngọt hóa" công cuộc thơ chăng, hay đấy chỉ là cảnh báo của sự cỗi cằn xơ xác trong câu chữ trên văn đàn blog nói riêng trong thi đàn văn học nói chung, chiêm nghiệm lại khổ thơ sau, để thấy:
thơ làm đau khúc hát lơi
vỗ về tháng chạp ru hời tháng giêng
tháng hai rồi cũng nỗi riêng
chờ ngày mai nữa chao nghiêng một đời
(bài Xuân Ngẫu - thơ LB)
cũng may là anh không làm tiếp tháng ba, tháng tư, tháng năm ... mà phận người đã chao nghiêng, đã rơi rã ra rồi!

Ở một góc độ khác, góc độ tâm linh, ta gặp một LỤC BÌNH ngồi thiền với thơ:
giọt nào nằng nặng liêu xiêu
đường trơn té nước mẹ dìu con đi
trời làm giọt nước từ bi
nam mô an dạ chia li cuối đời
(bài Giọt Mưa - thơ LB)
Vâng, tôi gặp LỤC BÌNH  cũng qua blog, thơ anh nhiệm màu cuộc sống, anh cần cũng như chúng ta cần:
cần ngày để bớt chiêm bao
cần đêm nhẹ trút tiêu hao nỗi sầu
cần trời đôi phút kinh cầu
cần em một chút nhiệm màu yêu anh
(bài Cần - thơ LB)
Xin cảm ơn anh, cảm ơn một thầy giáo, một blog thơ trăn trở. Đi tìm, tím biếc hoàng hôn.  Anh luôn biết mình là ai vì anh biết phân biệt được: 
hồng thủy đâu phải hồng hà
hồng lâu là chốn chết già hồng nhan
cái ghế không phải cái bàn
vật để ngồi nhậu say tràn đệ huynh ...
(bài Lạc Đề - thơ LB)
Kính chúc anh dồi dào sức khỏe để có những bài thơ màu tím đậm đà và lúng liếng hơn cho cộng đồng plus thưởng thức. 
Trân trọng!

Sài Gòn Tháng 6 / 2011
Bình Địa Mộc
 MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA MỘC OFF VỚI CÁC BẠN TẠI GÒ VẤP NGÀY 19/06/2011 ĐÂY!

IMG_0080.JPG

No comments:

Post a Comment